Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc các cử tri. (Ảnh:TH)

 

Ngày 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã dành cả ngày tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Cuộc tiếp xúc giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cử tri diễn ra ngay sau ngày bế mạc Hội nghị Trung ương 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thông điệp lớn nhất của cử tri là bày tỏ niềm tin vào kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua.

 

Những vụ xử lý về tham nhũng vừa qua, lấy lại niềm tin của dân vào Đảng

 

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ niềm vui, niềm tin trước những kết quả mà đất nước ta đạt được trên mọi lĩnh vực trong thời gian qua, tạo không khí phấn khởi, vui tươi trong quần chúng nhân dân, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao khi GDP cả nước năm 2017 tăng trưởng cao nhất so với vài năm trở lại đây; Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC... Đáng chú ý công tác phòng chống tham nhũng và công tác cán bộ là những vấn đề được các cử tri đặc biệt quan tâm và nêu ý kiến nhiều nhất. Các cử tri đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, khẳng định những kết quả đạt được ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng với chế độ.

 

Là người đầu tiên phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri trong sáng 13/5, cử tri Trần Viết Hoàn, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình bày tỏ niềm tin vào công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua khi Tổng Bí thư đã cùng với Đảng chỉ ra cho dân biết những ông quan to, quan nhỏ đã bị lộ... Ông Hoàn nhấn mạnh: “Nhân dân nức lòng khi được nghe lời đồng chí Tổng Bí thư: Ai nhụt chí thì đứng sang một bên để người khác làm. Lời nói đó của Tổng Bí thư đi liền với việc làm quyết tâm của đồng chí nên mới đưa ra xử lý hàng loạt những vụ án lớn, những vụ xử lý về tham nhũng vừa qua, lấy lại niềm tin của dân vào Đảng”.

 

Cùng quan điểm, tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ, chiều 13/5, cử tri Đặng Đức Huy, phường Phú Thượng đánh giá, những kết quả bước đầu trong việc xử lý một số vụ án trọng điểm thời gian qua đã lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm nức lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân.“Qua một số vụ án trọng điểm, nhân dân ngày càng tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Đảng, thực hiện nghiêm minh pháp luật, không có vùng cấm, không có chuyện hạ cánh an toàn, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không kể người đó có cương vị nào... Cuộc chiến chống tham nhũng đã bắt đầu và lò lửa đã nóng. Đảng dựa vào dân, dân tin Đảng thì không có lực lượng nào, thế lực nào có thể ngăn cản” – cử tri Đặng Đức Huy nói.

 

Tuy nhiên, một số cử tri băn khoăn khi có những vụ việc liên quan đến cán bộ xảy ra từ lâu nhưng đến nay mới bị phát giác và xử lý. Có cán bộ mắc những khuyết điểm rất nghiêm trọng nhưng vẫn được thăng tiến vào vị trí quyền lực, điển hình như Đinh La Thăng. Điều này cho thấy công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, khiến người dân rất suy tư.

 

Nhấn mạnh tham nhũng có sức tàn phá ghê sợ nhất, làm mất lòng tin của dân với Đảng, một số cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư tiếp tục xử lý mạnh tay với tham nhũng, “quyết tâm quét sạch tham nhũng như đã quét giặc ngoại xâm”. Đồng thời, thu hồi được tài sản tham nhũng - đó cũng chính là những đồng tiền thuế của nhân dân...

 

Cử tri Nguyễn Đức Mạnh, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm đi vào vấn đề cụ thể hơn khi mong đợi “Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) giải quyết được vấn đề tài sản bất minh, thu hồi được tài sản tham nhũng. Sửa đổi luật này để cán bộ không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng”. Đồng thời cần quy định công khai tài sản tại nơi cư trú theo hướng đảng viên phải công khai tài sản tại chi bộ dân cư và bắt buộc sinh hoạt 2 chiều. Với quan điểm cán bộ cần phải trong sạch, gương mẫu đi đầu, cử tri cho rằng, công bộc của dân phải có trách nhiệm giải trình nghiêm túc tiền, tài sản ở đâu ra chứ không phải theo kiểu “buôn chổi đót xây biệt phủ”; đồng thời phải có biện pháp quyết liệt trước hành động tẩu tán tài sản. Luật cần chỉ rõ cơ chế bảo vệ người tố cáo đúng sự thật; có chế độ khuyến khích người tố cáo; có biện pháp ngăn chặn được các hành vi người bị tố cáo bị trù dập, trả thù…

 

Đánh giá cao kết quả của Hội nghị Trung ương 7 vừa diễn ra, một số cử tri hoan nghênh sự quyết liệt của các đại biểu tham dự khi đưa ra biện pháp đem lại lòng tin trong nhân dân như người đứng đầu cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Cử tri Nguyễn Phương Khánh, phường Bưởi, quận Tây Hồ cho rằng, tiêu chuẩn đối với cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược phải có 3 chữ “T”, đó là: tâm, tài và trí. Bên cạnh đó, cần có quy chế luân chuyển cán bộ, tránh tình trạng “cánh hẩu”; hạn chế cán bộ là người địa phương, bổ nhiệm “con ông cháu cha”.

 

Tuy nhiên, ví dụ trong việc lấy phiếu tín nhiệm nhân sự phục vụ đánh giá, bổ nhiệm cán bộ ở phần cuối có mục ký tên kèm theo ghi chú “có thể ký hoặc không”, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho rằng: Điều này dễ khiến kẻ xấu lợi dụng để kết bè, kết phái. Từ đó, cử tri kiến nghị cần xem xét kỹ lại các quy định hiện hành để xem nội dung nào không phù hợp và dễ bị kẻ xấu lợi dụng thì cần điều chỉnh cho hoàn thiện, phù hợp thực tiễn.

 

 

Nhiều ý kiến tâm huyết đã được cử tri nêu ra tại buổi tiếp xúc. (Ảnh:TH)

 

Ngoài ra, cử tri Thịnh còn chỉ ra thực trạng việc chống tham nhũng ở Trung ương làm rất mạnh, "lò cháy đùng đùng", nhưng ở địa phương im ắng, "làm cho qua chuyện". "Người dân phản ứng mạnh buộc Trung ương phải vào cuộc như những vụ ở Quảng Nam, Thanh Hóa. Đó là trên nóng, dưới lạnh. Để chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất, chỉ riêng Trung ương làm chưa đủ, rất cần có sự chung tay của các địa phương.

 

Bên cạnh cuộc chiến chống tham nhũng, công tác cán bộ, các cử tri bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề dân sinh “nóng” trong xã hội như vấn đề vệ sinh thực phẩm; tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại một số cơ sở mầm non gần đây; bác sĩ bị hành hung ngay tại cơ sở khám chữa bệnh; các chính sách giáo dục, dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, công tác phòng cháy chữa cháy…

 

Bên cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ mong đợi Luật Quy hoạch (sửa đổi) sắp tới sẽ có chất lượng, ổn định, bao quát được thực tiễn phát triển và có tầm nhìn dài hạn; khắc phục tình trạng quá nhiều quy hoạch, nhưng hiệu quả lại thấp, gây lãng phí lớn. Cử tri đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư cho lĩnh vực này, để tránh tình trạng “chảy máu nhân tài” - nhiều học sinh, sinh viên ưu tú học ở nước ngoài xong không trở về phục vụ đất nước, các cử tri đề nghị Nhà nước đầu tư hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục cho các vùng khó khăn để họ tiếp thu kiến thức để phát triển vùng, có chế độ đặc biệt cho các giáo viên vùng đồng bằng lên miền núi. Nhà nước cũng cần có chế độ khuyến khích học sinh giỏi của các gia đình khó khăn, đưa các em đi đào tạo, thu hút về làm việc cho các cơ quan trong nước…

 

Lò nóng rực rồi nhưng còn nhiều việc phải làm

 

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của cử tri, đã đề cập nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và thiết thực đối với đời sống nhân dân. Đây là những ý kiến hết sức quý báu, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, xuất phát từ nhiệt huyết, mong muốn đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.

 

Qua các ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư đề cập đến 3 nhóm vấn đề. Trong đó, đối với các góp ý của cử tri vào các dự luật sắp bàn trong kỳ họp Quốc hội tới, Tổng Bí thư cho biết: Các đại biểu sẽ tổng hợp làm căn cứ để bàn thảo ở Quốc hội.

 

Đối với nhóm vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm là công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhận định: Đây là vấn đề lần tiếp xúc nào cử tri cũng quan tâm. Điều đó chứng tỏ vấn đề phòng, chống tham nhũng hết sức khó khăn, phức tạp và vô cùng quan trọng. “Nếu không có sự ủng hộ của toàn bộ nhân dân thì cuộc đấu tranh không thành công. Vừa qua làm được và đạt kết quả là có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân. Điều này đã tạo thêm niềm tin và củng cố quyết tâm làm tốt cuộc đấu tranh này” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

 

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri Hà Nội.

 

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, về lâu dài, phòng, chống tham nhũng không chỉ chống mà cần phải xây. Bởi, chống rất quan trọng và đang làm quyết liệt nhưng không phải nhăm nhăm làm. Chúng ta phải xây để ngăn ngừa, răn đe đừng xảy ra tham nhũng. Nếu ai đã trót nhúng chàm thì gột rửa đi là tốt nhất.. “Phòng, chống tham nhũng vừa phải kiên quyết, quyết liệt nhưng cũng phải nhân ái, nhân đạo… Với đà này, tôi tin chắc làm đến cùng và không bỏ giữa chừng. Phong trào đang phát triển thành xu thế và lò nóng rực rồi nhưng còn nhiều việc phải làm và làm quyết liệt, làm đến cùng nhưng phải có cách làm, phương pháp làm đúng đắn, hiệu quả”.

 

Nhấn mạnh việc để cuộc chiến này đạt hiệu quả, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp rất quan trọng. Bên cạnh đó, nhân dân, cử tri, tập thể chi bộ cũng phải cùng giám sát để cán bộ không dám, không thể và không cần tham nhũng. Theo Tổng Bí thư, qua các vụ việc trong thời gian qua cho thấy không chỉ dư luận trong nước quan tâm mà còn có dư luận quốc tế. Dư luận quốc tế hoan nghênh cách làm của nước ta trong thời gian qua.

 

Liên quan đến vấn đề chống lãng phí, Tổng Bí thư thư nêu lên, không chỉ chống tham nhũng mà còn phải chống lãng phí, các hiện tượng tiêu cực khác. Vừa qua Trung ương đã chỉ đạo, nhiều cái đã tiết kiệm rất lớn, như quy định về lễ, Tết, cán bộ cấp trên về địa phương thế nào, biếu xén làm sao, lễ hội tổ chức thế nào cho thiết thực...

 

“Ngoài ra, thu hồi tài sản nhiều hơn nữa cũng là vấn đề cần quan tâm. "Cử tri hối làm sao thu hồi tài sản nhiều hơn nữa? Hiện nay, đã khuyến khích theo hướng này. Riêng vụ MobiFone mua AVG gây thiệt hại cho nhà nước 8.800 tỉ đồng, đơn vị mua đang hứa trả lại toàn bộ tiền, trên thực tế đã thu hồi được 8.500 tỉ đồng rồi" - Tổng Bí thư nói và cho biết một số vụ án gần đây, một loạt bị cáo cũng xin nộp lại tiền để giảm án.

 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, chống tham nhũng phải thực hiện đồng bộ với các nghị quyết như cải cách bộ máy, cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội. Làm với tinh thần phát huy kết quả vừa qua, sắp tới sẽ quyết liệt làm, tất cả đồng lòng vào cuộc nhưng phải làm lâu dài, không sốt ruột.

 

Nhóm vấn đề thứ 3, theo Tổng Bí thư, là một số vấn đề bức xúc hàng ngày báo chí đã nêu như cô giáo bắt học sinh quỳ, chuyện dâm ô với trẻ em... Đây là những vụ việc cá biệt, đương nhiên phải xử lý, song cũng không nên nói quá nặng nề, tạo tâm lý không tốt trong xã hội ./.

 

Thu Hà (www.dangcongsan.vn)