Quy định 80-QĐ/TW góp phần vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chủ chốt nói riêng thật sự tiêu biểu, có tâm, có tài, có tầm. (Ảnh minh họa: PC) 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định 80 gồm 6 chương, 34 điều, thay thế cho Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị.

Theo Quy định 80, nội dung quản lý cán bộ gồm: Phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với cán bộ; khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ và cán bộ.

Đáng chú ý, trong Quy định 80 có thêm nhiều điểm mới, rõ ràng, chi tiết về công tác cán bộ được dư luận đánh giá cao. Cụ thể, ở Điều 18 nêu rõ 7 tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Theo đó, cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải bảo đảm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

Cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên..; có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định… Ngoài ra, Quy định cũng nêu rõ cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải có hồ sơ, lý lịch cá nhân, bản kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh.

Một số chuyên gia cho rằng, quy định như vậy là đảm bảo được yêu cầu đề ra, đảm bảo để người được đảm nhận chức vụ có thời gian thể hiện năng lực cá nhân, tạo điều kiện cho cán bộ cống hiến, có độ chín muồi để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ đảm nhận. Đồng thời đây là điều kiện để tổ chức, tập thể có điều kiện đánh giá, nhìn nhận cán bộ.

Một điểm nhấn quan trọng không thể không nhắc đến trong Quy định 80 là cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian tính từ ngày ký quyết định kỷ luật là 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.

Quy định 80 cũng quy định rõ thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm (60 tháng) đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp nhà nước; thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng; thời hạn giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ.

Quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử đối với nguồn nhân sự tại chỗ thực hiện theo 5 bước với những quy định, tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Trong đó, đối với nhân sự điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ nguồn cán bộ ở nơi khác được thực hiện theo 3 bước. So với Quy định 105 thì Quy định 80 tăng thêm 2 điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Đó là cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên; đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Quy định 80 đã bảo đảm tính chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Quy định này góp phần vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chủ chốt nói riêng thật sự tiêu biểu, có tâm, có tài, có tầm. Trong đó, điểm mới nữa trong Quy định 80 là bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị "Ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên Trung ương, gồm cả dự khuyết)”.

Chưa hết, nếu Quy định 105 chỉ nêu nhiệm vụ của Bộ Chính trị là "Trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương", thì quy định mới mở rộng hơn, nêu rõ: "Trình Ban Chấp  hành Trung ương những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ".

Bên cạnh đó, Quy định 80 cũng nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị trong chuẩn bị, giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Có một điều khác trong Quy định 80 rất đáng chú ý là: Bộ Chính trị nêu rõ, cá nhân, tập thể đề xuất cán bộ phải chịu trách nhiệm chính trước cấp có thẩm quyền về đánh giá, nhận xét, kết luận tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu khuyết điểm; kê khai tài sản, thu nhập. Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, thẩm tra, rà soát thông tin đối với nhân sự được đề xuất. Tập thể quyết định bổ nhiệm cán bộ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đánh giá cao Quy định 80, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, việc chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ quyết định vận mệnh của đất nước, uy tín và hiệu lực của Đảng trong lãnh đạo nhân dân. Do đó, Quy định 80 là rất đúng và trúng. Tuy nhiên, Quy định đã có nhưng quan trọng hơn là khâu tổ chức chỉ đạo thực hiện. “Quan trọng nhất là phải hết sức phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của cán bộ đảng viên cấp dưới với cấp trên. Phát huy vai trò kiên định chỉ đạo của cấp trên với cấp dưới”, đồng chí Phạm Thế Duyệt nêu quan điểm.

Song hành với đó là tập trung kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức, cán bộ. Kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với định kỳ, kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Xây dựng kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức, cán bộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với những nội dung kiểm tra khác...

Có thể nói, Quy định 80 đã tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Điều này không chỉ góp phần lựa chọn được những người có đức, có tài phục vụ cho dân, cho nước mà còn là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây cũng là phương cách để tham gia mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.

Vì thế, thực hiện tốt Quy định 80-QĐ/TW với những ràng buộc, quy định rất rõ ràng, chúng ta tin tưởng rằng, công tác cán bộ sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, trong sáng, tạo điều kiện cho cán bộ có môi trường rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện.Từ đó tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ./.

 
DTSCThuHàhttps://dangcongsan.vn/tieu-diem/phat-huy-dan-chu-trong-cong-tac-can-bo-618973.html