Cụm từ “hạ cánh an toàn” đã không còn chỗ từ khi nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ một thời đã phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ; nguyên bộ trưởng mắc vi phạm liên quan tới trách nhiệm về quản lý môi trường; nguyên bí thư tỉnh ủy mắc sai phạm liên quan tới công tác cán bộ. Hay cụm từ “yên vị” cũng không còn đối với những cán bộ mắc sai phạm và cố tình “chạy” luân chuyển để thăng chức thành lãnh đạo một tỉnh, một thành phố, một bộ, để “né” dư luận. Thậm chí, cụm từ “xóa tư cách” nguyên bộ trưởng, nguyên thứ trưởng, nguyên chủ tịch tỉnh lần đầu xuất hiện trong công tác kỷ luật cán bộ. Đó là những hình thức kỷ luật rất nặng theo đánh giá của các chuyên gia và những cán bộ làm công tác kiểm tra lâu năm. Nhiều người cho rằng, những hình thức kỷ luật đó là bài học lớn nhằm cảnh tỉnh, răn đe cho tất cả cán bộ, công chức, những người đang giữ trọng trách là "công bộc" của nhân dân. 

 

Kết quả trên có được là do một quá trình đấu tranh kiên trì, kiên quyết, nghiêm minh của Đảng ta nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm được thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và đúng thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng; Quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Quy trình xem xét xử lý kỷ luật cán bộ được tiến hành thận trọng, đúng quy trình, quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 

 
 
Kết luận tại các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên trong những năm gần đây được công bố công khai, rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân. (Ảnh: HH) 


Từ những vụ việc gần đây cho thấy, các bước tiến hành kiểm tra và xử lý cán bộ khi có dấu hiệu vi phạm được tiến hành chính xác, kịp thời, thận trọng, khách quan; quyết định và tiến hành kiểm tra đúng nội dung, đối tượng, đúng thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể kiểm tra. Từ một vụ việc do báo chí phản ánh, từ đơn thư tố cáo, hay từ việc kiểm tra, thanh tra phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm đã được chỉ đạo xử lý có kết quả cụ thể. Để có được kết luận cuối cùng bằng những hình thức kỷ luật khác nhau, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải làm việc với tất cả các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp có cán bộ, đảng viên sai phạm và trải qua nhiều kỳ họp để xem xét. Quy trình chặt chẽ, thận trọng đó là cơ sở để Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật hoặc kiến nghị các hình thức kỷ luật đúng người, đúng sai phạm khuyết điểm.

 

Những kết quả cụ thể về kỷ luật cán bộ, đảng viên trong thời gian qua cũng là kết quả của một quá trình đấu tranh bền bỉ và kiên quyết của Đảng ta trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ việc nhận định những hạn chế, yếu kém của mình, Nghị Trung ương 4 khóa XI nêu rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”, trong đó phân tích nổi lên một số vấn đề cấp bách. Nhận diện đúng để hành động đúng và quyết tâm cao hơn, Đảng ta đã có được những kết quả cụ thể, hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 4 trong cuộc sống nhằm tiếp tục khơi dậy, cổ vũ niềm tin trong Đảng và trong nhân dân.

 

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ vừa trọng tâm, cơ bản, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, Đảng ta đã triển khai kiên quyết, tích cực, siết chặt kỷ luật của Đảng, nhằm làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên, thải loại những phần tử biến chất ra khỏi Đảng, góp phần làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước.

 

Cùng với đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những chỉ đạo hết sức kịp thời, cụ thể nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng như: Công văn chấn chỉnh công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; Kết luận về việc xác định tuổi của đảng viên....Và mới đây, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 89-QĐ/TW về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có văn bản quy định một cách hệ thống, bài bản về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Việc ban hành các quyết định đó đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trước quyết tâm thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng ta. Đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cùng các cơ quan nội chính, pháp luật cũng đã có nhiều kết quả rõ nét hơn trong công tác phát hiện, xử lý các sai phạm của cán bộ, đảng viên.

 

Người dân đang cảm nhận rõ nét được "sức nóng" trong công tác xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, thấy rõ được tính nghiêm minh của Đảng và quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta, thấy rõ được những kết quả khắc phục hạn chế của Đảng. “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được” – đó là lời khẳng định và cũng là sự xác tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm. Chúng ta có quyền đặt niềm tin, kỳ vọng vào sự quyết tâm ấy trong thời gian tới./.

 

Hoa Hiền (cpv.org.vn)