Dừng sản xuất vì không đáp ứng "3 tại chỗ"

04/08/2021|16:39

Từ ngày 19/7 đến nay, Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) đã tạm ngừng sản xuất vì không thể bố trí “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ). Ông Hồ Minh Quân, nhân viên phụ trách truyền thông Công ty TNHH Thép Vina Kyoei cho biết, với hơn 700 lao động, việc bố trí cho công nhân lưu trú tại DN gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong việc mua sắm trang thiết bị, công tác tổ chức “3 tại chỗ”. Do đó, DN đã tạm dừng hoạt động để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Một số DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da có hàng ngàn người lao động, trong khi diện tích nhà xưởng không quá lớn, lại chủ yếu là lao động nữ có con nhỏ nên không thực hiện được quy định “3 tại chỗ”. Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất Giày Uy Việt, Công ty TNHH Hikosen Cara, Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu đã tạm đóng cửa nhà máy. Người lao động sẽ được nhận mức lương tối thiểu vùng trong thời gian nghỉ việc. Bà Nguyễn Kim Huệ, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt cho biết, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay, Công ty đã cố gắng vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất, nhưng do không đủ điều kiện để bố trị "3 tại chỗ" nên DN buộc phải tạm đóng cửa nhà máy. Việc đóng cửa sẽ khiến DN gặp khó khăn trong việc thực hiện các đơn hàng đã ký nhưng không còn cách nào khác. DN đã và đang thương lượng với đối tác giãn thời gian giao hàng.

Công ty TNHH Thép Vina Kyoei đang tạm ngừng sản xuất vì không đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ".

 

Trong khi đó, một số DN chỉ thực hiện được “3 tại chỗ” cho một bộ phận lao động. Ông Phan Tấn Anh, Phó Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ 1) cho biết: Hiện chỉ có 40% công nhân thực hiện “3 tại chỗ” còn lại DN tạm thời cho nghỉ việc vì họ không chịu tập trung vào ăn, ngủ, nghỉ và làm việc tại nhà máy. Do thiếu hụt nguồn lao động nên DN buộc phải cắt giảm 40% đơn hàng.

Báo cáo của BQL các KCN tỉnh cho biết, tính đến ngày 3/8 đã có 73 DN với tổng số 19.147 lao động phải chọn phương án tạm ngưng hoạt động cho đến khi hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 do không bảo đảm được quy định “3 tại chỗ”. Khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức “3 tại chỗ” là DN không bố trí được khu vực lưu trú, không mua được các trang bị cần thiết. Một số DN tận dụng phòng họp, phòng làm việc, nhà kho làm nơi lưu trú cho người lao động nhưng không thể bảo đảm khoảng cách tối thiểu. Ngoài ra, nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đã ngưng hoạt động để phòng, chống dịch nên DN không thể đặt bữa ăn cho công nhân.

Ông Lê Xá, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, tỉnh chỉ cho phép DN thực hiện phương châm “3 tại chỗ” tiếp tục hoạt động sản xuất khi bảo đảm phương án phòng, chống dịch. Ngoài ra, DN phải xét nghiệm COVID-19 định kỳ 7 ngày/lần cho công nhân. Trường hợp DN không bảo đảm theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động cho đến khi có chỉ đạo mới.

Mới đây, ngày 31/7, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ DN, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên cơ sở tổng hợp ý kiến DN, hiệp hội. Trong đó, mô hình "3 tại chỗ" đang thực hiện tại một số nhà máy phía Nam không đáp ứng được yêu cầu về sản xuất an toàn. Thực tế những ngày qua đã xuất hiện nhiều ca F0 tại một số nhà máy "3 tại chỗ”.

Vì vậy, các DN, hiệp hội kiến nghị nên tính toán thực hiện khi tình hình dịch bệnh ở mức độ kiểm soát được, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc để phát hiện và ứng phó sớm với các vấn đề phát sinh. Các địa phương yêu cầu DN thực hiện "3 tại chỗ" cần xây dựng và công bố phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy, phối hợp mọi nguồn lực ứng phó. Ban IV kiến nghị Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, ban hành danh sách các tỉnh/thành ưu tiên bố trí nguồn vắc xin để có kế hoạch triển khai. 

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Báo Rà Rịa - Vũng Tàu


Chuyên đề