Những người con đất Việt ở mọi miền hội tụ về vùng đất Tổ Phú Thọ ngày 10/3 Âm lịch. Ảnh: QC

                                       

                                                  “Dù ai đi ngược về xuôi

                                      Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba..”

 

Đó là câu thơ mà những người con đất Việt đều thuộc từ thời vỡ lòng. 

 

Từ lâu, quê hương Phú Thọ còn được biết đến với cái tên khác, đó là “miền trung du”, bởi địa hình nơi đây giao thoa giữa  núi cao vùng Tây Bắc và vùng đồng bằng hẹp trải dài về phía Nam. Núi ở đây có độ cao trung bình vài trăm mét nên còn gọi là đồi. Hình ảnh đồi trong câu thơ bất hủ “ Rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt…” của nhà thơ Tố Hữu đã nhắc tới khi viết về quê hương trung du Phú Thọ.

 

Người đất Tổ hồn hậu, thật thà, chân chất như củ khoai trên đồng, như củ sắn trên đồi. Không biết có phải trời phú cho bầu khí hậu tự nhiên ôn hòa, mát mẻ hay người đất Tổ rất dễ mến và sống hòa đồng, sâu sắc, dễ gần. Ngoài ra họ rất cần mẫn, chăm chỉ, đoàn kết, trung thành và luôn có chí kiên trì, vượt khó, tiến thủ.

Quê hương đất Tổ thân yêu gắn với truyền thuyết sinh ra nguồn cội dân tộc Việt Nam, cùng sinh ra trong bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên non. Đất Tổ không chỉ là quê hương của riêng mình, mà còn là nguồn cội chung của cả đại gia đình 54 dân tộc anh em Việt Nam.

 

Lớn lên trên quê hương Việt Nam yêu dấu, chúng ta luôn biết rằng sức mạnh của toàn dân tộc ta là được kết tụ từ tinh thần đại đoàn kết muôn người như một. Sự đoàn kết ấy được tự thân thiết lập và duy trì từ ngàn đời. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng núi cao cho đến vùng đồng bằng, tất cả con dân đất Việt là anh em một nhà, sinh ra cùng một mẹ Âu Cơ trong bọc trăm trứng. Hình ảnh “Lá lành đùm lá rách”, "Bầu ơi thương lấy bí cùng..." thật giản dị, nhưng nó chính là khởi nguồn làm nên sức mạnh của tinh thần đoàn kết Việt Nam, tạo nên ý chí kiên cường trong xây dựng và bảo vệ đất nước.  

 

Nhớ lắm truyền thuyết Lang Liêu với cuộc thi “bánh chưng, bánh dày”, bánh chưng là đại diện đất, bánh dày đại điện trời; rồi chuyện Vua Hùng kén rể với ‘gà chín cựa, ngựa chín hồng mao’; hình ảnh người Sông Thao đội nón lá cọ, cơm nắm lá cọ, với đặc sản bưởi Đoan Hùng nức danh xa gần... Nhớ lắm cảm giác vui khôn tả khi các di sản của quê hương được UNESCO vinh danh  như “Hát xoan Phú Thọ”; “ Tín ngưỡng thờ cùng Vua Hùng – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”... Và tự hào khi Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội lớn của cả nước và là ngày “Quốc lễ”.

 

Nhớ lắm lời căn dặn bất hủ của Bác Hồ như một thông điệp lịch sử nhắn gửi tương lai: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". 

 

Năm nay, ngày giỗ Tổ lại về! Cảm nhận của một người con sinh ra trên đất Tổ rất vinh dự, tự hào. Ngày giỗ Tổ - ấy là thời điểm con cháu xa gần bốn phương sum họp, tề tựu một nhà trong không khí đầm ấm, thuận hòa. Đó cũng là dịp để người người cả nước hội tụ, gắn bó, củng cố thêm tình đoàn kết, thủy chung trước sau như một, là cội nguồn làm nên sức mạnh Việt Nam./.

 

Trần Quang Chiến (dangcongsan.vn)