CPTPP: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt
16/05/2018|16:12
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Chile vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Chile là sự kiện được nóng được sự quan tâm đông đảo doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề. Với sự tham gia của 11 quốc gia xuyên hai bờ Thái Bình Dương với mức độ và phạm vi cam kết sâu rộng dẫn đến môi trường và điều kiện kinh doanh toàn cầu nói chung và các quốc quốc gia trong khối CPTPP nói riêng có nhiều thay đổi. Điều này vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.
Cơ hội xuất khẩu hàng hóa lớn
Theo các chuyện gia, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước…
Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khâu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước. Từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng của các nước thành viên.
Mặt khác, dù Hoa Kỳ không tham gia có ảnh hưởng lớn đến các nước thành viên nhưng đây vẫn được đánh giá là hiệp định chất lượng cao và có nhiều lợi thế cho Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp, việc tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam tăng GDP thông qua thu hút đầu tư và thương mại với các quốc gia thành viên CPTPP; tăng tốc phát triển xuất khẩu, nhất là với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, dệt may, thực phẩm, đồ uống… sang các nước trong khối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như lao động phổ thông thông qua trao đổi và xuất khẩu lao động… Với việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị thông qua hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong khôi CPTPP, các thương hiệu Việt Nam cũng có cơ hội nâng tầm và vươn xa.
Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu cũng như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn. Chắc chắn CPTPP sẽ đem lại nhiều triển vọng khi dòng thuế suất bằng 0%, giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, Newzeland, Australia…
Cũng như dệt may, CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu da giày tăng tỉ trọng, tăng cơ hội xuất khẩu sang các nước Chile, Australia, New Zealand, Mexico, Canada…Riêng Nhật Bản, một trong những thị trường chủ lực của ngành xuất khẩu da giày, túi xách Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 20-35%/năm, nếu doanh nghiệp biết tận dụng chặt chẽ các điều khoản từ CPTPP, mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn hiện tại. Hay Canada, áp thuế nhập khẩu 0% cho cả giày da và túi xách ngay lập tức mà không cần lộ trình cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường này.
Doanh nghiệp chủ động liên kết
Theo quy định của CPTPP, mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chân hơn doanh nghiệp trong nước trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan từ CPTPP, khi họ có đủ tiềm lực để giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải.
Ở góc độ ngành gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, CPTPP sẽ mang tới cơ hội nhiều hơn thách thức cho ngành gỗ. Tuy nhiên, nhà nước cần có những cơ chế chính sách để cho khối doanh nghiệp nội tận dụng tốt thời cơ này. Hiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Tuy nhiên, không thể cấm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Để phát huy tối đa lợi thế thì chính sách thu hút doanh nghiệp nước ngoài cần thay đổi, quản lý ra sao để các doanh nghiệp ngoại đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu phát triển bền vững của ngành, có trách nhiệm hơn đối với ngành, như xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ cao…chứ không chỉ đơn thuần là mua nguyên liệu từ một nước, sau đó đưa vào Việt Nam để gia công rồi xuất đi để hưởng ưu đãi thuế quan.
Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, phải thừa nhận rằng doanh nghiệp nước ngoài có những thuận lợi hơn doanh nghiệp trong nước về trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu, tài chính tốt… Tuy nhiên, cũng nên nhìn thẳng vào sự thật là tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, liên kết với nhau rất kém.
Do vậy, để tận dụng cơ hội từ CPTPP, khối doanh nghiệp trong nước phải xây dựng chiến lược dài hạn, liên kết mới có thể giúp nhau tham gia vào chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp lớn dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ vào chuỗi giá trị của mình. Nếu không sẽ mất cơ hội, trước khi các doanh nghiệp nước ngoài vào hưởng lợi tại Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền – Thành viên nhóm Tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, để tận dụng được cơ hội CPTPP đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực thâm nhập hàng hóa, phát triển kinh doanh ra bên ngoài bằng việc cải tiến công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với giá cả cạnh tranh, tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng mạng lưới phân phối nội địa vững chắc.
Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các cơ hội và kiểm soát thách thức từ CPTPP, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực thâm nhập và phòng vệ. Để thực hiện được định hướng đó, cần đến sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nội địa thông qua vai trò của các hiệp hội ngành nghề, cũng như những nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách nhà nước, tăng cường thông tin chính sách giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ chính sách pháp luật.
Bên cạnh đó, các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa cần trọng tâm vào việc tạo lập các “hàng rào kỹ thuật , kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, không để doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn doanh nghiệp nội địa như trong thời gian qua.
Nguồn: TTXVN
- Kê hoạch 108 thực hiện Chuyên đề 2023
- Biểu mẫu kế hoạch thực hiện Chuyên đề 2023 kèm KH 108 ĐUK
- Biểu mẫu kế hoạch thực hiện Chuyên đề 2023 kèm KH 108 ĐUK
- Kế hoạch thực hiện Chuyên đề 2023 về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW
- Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày Lễ lớn 2023
- Đề cương tuyên truyền Mừng Đảng Mừng Xuân (kèm HD 44 ĐUK)
- Hướng dẫn số 44 HD/ĐUK Mừng Đảng Mừng Xuân 2023 (PDF)
- Hướng dẫn số 44 HD/ĐUK Mừng Đảng Mừng Xuân 2023
- 04 biểu mẫu đăng ký kế hoạch thực hiện Chuyên đề kèm Hướng dấn số 22-HD/ĐUK ngày 8/3/2022
- Hướng dẫn số 22-HD/ĐUK hướng dẫn đăng ký kế hoạch thực hiện Chuyên đề toàn khóa và hàng năm "học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"