Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch ngành Công Thương 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra sáng nay (9/7).

 

Ghi nhận 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

 

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD), hàng dệt, may (13,42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).

 

Theo dõi số liệu 6 tháng đầu năm 2018 cũng cho thấy, xuất khẩu tăng cao ở quý 1 (tăng 24%) nhưng giảm đà tăng trưởng trong quý 2 (cả quý 2 tăng 10%). Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối, bình quân quý 2/2018 xuất khẩu đạt khoảng 19,5 tỷ USD/tháng, cao hơn bình quân quý 1/2018 (18,5 tỷ USD/tháng).

 

Sau những thành công của 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn có những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng. Cụ thể, sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp dự báo tăng tích cực xét trên các yếu tố như: nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng mạnh trong quý I, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng khá. Nhóm hàng điện tử dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ việc Samsung tiếp tục xuất bán sản phẩm mới trong quý III/2018 và việc dự án Samsung Display tiếp tục đẩy mạnh sản xuất màn hình phục vụ xuất khẩu.

 

Theo chu kỳ, thông thường xuất khẩu nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa Quý II.

 

“Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới”, Bộ Công Thương cho hay.

 

Mặc dù vậy, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20,45 tỷ USD/tháng cho 6 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng doanh nghiệp.

 

 
 
Ảnh minh họa (Nguồn: K.D).
 

Tăng trưởng GDP năm 2018 có khả năng hoàn thành và vượt mục tiêu

 

Bộ Công Thương cho biết, sau quý I khởi đầu thuận lợi, tăng trưởng kinh tế (GDP) ghi nhận mức tăng khả quan trong 6 tháng đầu năm. Đây là nền tảng vững chắc thuận lợi cho việc hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018.

 

Cũng theo Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm 2018, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công thương nói riêng tiếp tục hưởng lợi từ những động lực chính. Trong đó có thể kể đến, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính. Rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan của 12 bộ chuyên ngành. Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi hơn 40 thông tư cắt giảm phí và lệ phí dự kiến hành trong năm 2018... là những yếu tố tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

“Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán kí kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương nhận định.

 

Theo Bộ Công Thương, hiện nhiều ngành kinh tế lớn đang vào chu kỳ tăng trưởng như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ… tạo điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trong các quý còn lại của năm. Nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát được kiểm soát khá tốt và thu nhập được cải thiện. Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện.

 

“Phát triển ngành công thương trong 6 tháng cuối năm tiếp tục nhận được hiệu ứng tích cực từ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, bên cạnh đó là các yếu tố tích cực nội tại, như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường kinh doanh được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Chính sách công nghiệp quốc gia mới ban hành, là một bước đi mới nhằm định hình các ngành kinh tế quan trọng của đất nước”, Bộ Công Thương cho hay./.

 

Kim Dung (dangcongsan.vn)