Sự việc này đặt ra câu hỏi về việc rèn luyện cán bộ, đảng viên, chống biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
(Ảnh minh họa)
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và cảnh báo mỗi cán bộ, đảng viên hãy tự soi mình vào đó để đối chiếu, xem xét mà tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện.
Tuy vụ án đang trong giai đoạn điều tra, nhưng ở đây chúng ta nói đến vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên đối với nhiệm vụ được phân công. Đối với tổ chức đảng, mà trực tiếp ở chi bộ, đã không phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm nguyên tắc của Đảng, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đảng viên trong thực thi công vụ; mất sức chiến đấu, tê liệt trong phê bình và tự phê bình; việc bố trí, sử dụng, giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên còn có những bất cập, lỏng lẻo, chưa hiệu quả…
Có thể nói sau khi khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Thanh Hóa được công khai, nhân dân và nhiều cán bộ, đảng viên cảm thấy “bất ngờ, sửng sốt và phẫn nộ”. Dư luận đặt câu hỏi là tại sao ông Hóa lại bị khởi tố bắt giam để điều tra liên quan đến vụ án “Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền”? Câu trả lời chỉ có thể là thiếu tu dưỡng, rèn luyện, biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mặc dù là cán bộ, đảng viên giữ cương vị cao nhưng ông Nguyễn Thanh Hóa đã mất ý chí chiến đấu, nhận thức sai lầm về việc làm của mình, suy thoái về đạo đức, không gương mẫu trong công tác. Trong tự phê bình giấu giếm khuyết điểm, không trung thực, tiếp tay cho những việc làm vi phạm pháp luật; sa ngã trước sự cám dỗ vật chất, tiền bạc; đánh đổi tư cách đạo đức, danh dự của đảng viên, của đồng đội để thu vén lợi ích cá nhân mình. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao là Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã cấu kết với doanh nghiệp và tội phạm để trục lợi, tham ô, tham nhũng.
Ông Nguyễn Thanh Hóa với cương vị người đứng đầu cơ quan cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao có vị trí rất quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, đáng lẽ ra ông phải ngăn chặn và xử lý tội phạm, nhưng việc làm và lời nói không đi đôi với nhau, một mặt chỉ đạo cấp dưới phải đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, mặt khác ông lại tiếp tay cho tội phạm, đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Chắc ông Nguyễn Thanh Hóa cũng thừa hiểu rằng, tệ nạn cờ bạc đã làm cho bao nhiêu gia đình tan cửa, nát nhà, vỡ nợ, chém giết, xã hội đen… mất an ninh trật tự xã hội và đi xa hơn nữa là nguy cơ lợi ích quốc gia dân tộc.
Có thể nói đây là bài học cảnh tỉnh cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu giữ vị trí cao, quan trọng của đất nước trong việc rèn luyện tu dưỡng bản thân. Khắc phục hạn chế trong nhận thức, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đề ra các giải pháp khắc phục. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới việc phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Vụ việc này gợi cho chúng ta những điều rất đáng suy ngẫm. Nó cũng cảnh tỉnh một bài học đắt giá trong quản lý cán bộ, trong giáo dục đạo đức cách mạng. Vì vậy, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng là việc làm cấp thiết để giúp cho cán, bộ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng trước cám dỗ vật chất, tiền bạc trong tình hình hiện nay. Cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu phải thể hiện bản lĩnh, tiên phong, gương mẫu; chống biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xa rời thực tế, cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Tăng cường tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng để đảng viên nhận thức ra sai lầm và khuyết điểm, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; dám làm, dám chịu trách nhiệm trước công việc được giao./.
Nguyễn Min