Hội thảo "Phát triển thói quen đọc sách"

10/06/2022|13:45

Sáng ngày 10/6/2022, Thư viện tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Phát triển thói quen đọc sách” thuộc Đề án phát triển Văn hóa đọc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm mục đích xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong tầng lớp cán bộ viên chức, công chức, người lao động trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, hình thành lối sống lành mạnh trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về phát triển văn hóa đọc.

 

        Quang cảnh Hội thảo "Phát triển thói quen đọc sách"

 

Ông Huỳnh Đức Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và ông Trần Minh Thế - Giám đốc Thư viện tỉnh đồng chủ tọa Hội thảo cùng 100 đại biểu khách mời tham dự.

 

Ông Huỳnh Đức Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (ngồi bên phải) và ông Trần Minh Thế - Giám đốc Thư viện tỉnh (ngồi bên trái) đồng chủ tọa Hội thảo 

 

Để tạo không khí cởi mở, thân thiện và ý nghĩa, Hội thảo đã mời các vị khách mời đặc biệt tham gia tham luận và giao lưu với các đại biểu: Giảng viên, TS. Huỳnh Mẫn Đạt - Khoa Thư viện Thông tin, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Quang Phi - Báo cáo viên - Chuyên viên chính - Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; bà Phan Thị Hồng Cẩm - Hiệu trưởng Trường THCS Phước Hưng và nhà thơ Hoàng Quý.

 

Nhà thơ Hoàng Quý (áo trắng) giao lưu cùng các đại biểu tham dự Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc, Ông Huỳnh Đức Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội thảo: Từ trước đến nay, thói quen đọc sách đã trở thành một nét đẹp văn hóa giúp chúng ta mở mang tri thức và hoàn thiện nhân cách. Trước sự bùng nổ của công nghệ, thói quen đọc sách đang dần bị mai một nhất là với đối tượng thanh thiếu niên để góp phần xây dựng xã hội học tập và chủ đề chúng ta nói tới hôm nay chính là làm thế nào để “Phát triển thói quen đọc sách” phát triển văn hóa đọc ngày càng sâu rộng, nhằm tăng cường vận động khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân duy trì thói quen đọc sách, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội về phát triển văn hóa đọc”.

 

Khách mời tham gia giao lưu tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, Giảng viên, TS. Huỳnh Mẫn Đạt - Khoa Thư viện Thông tin, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã phát biểu tham luận về “Hình thành văn hóa đọc trong mối quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội”, trong đó nhận định rõ quan điểm: “Chúng ta chỉ có thể phát triển nền văn hoá đọc Việt Nam hiện đại, xây dựng một xã hội ham đọc, để đáp ứng với xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức và một xã hội phát triển bền vững, có thể xứng ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, khi phát triển đồng loạt nhiều lãnh vực khác nhau liên quan tới đọc cần phải thực hiện hài hòa 3 giải pháp kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội”.

 

Ông Nguyễn Quang Phi - Báo cáo viên - Chuyên viên chính - Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham luận và giao lưu với đại biểu dự Hội thảo

 

Trong bài tham luận của mình, ông Nguyễn Quang Phi - Báo cáo viên - Chuyên viên chính - Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã khẳng định: “Có rất nhiều con đường, hình thức để tiếp cận, thu nhận tri thức: Học qua trường lớp; học trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ; học đồng nghiệp, bạn bè; học hỏi nhân dân... Nhưng có một con đường không thể không quan tâm: Tiếp nhận tri thức qua sách báo! Tri thức của nhân loại tạo ra được hội tụ, lưu giữ qua sách”; đồng thời đưa ra 5 giải pháp nhằm phát triển thói quen đọc sách. (1) Tạo không gian sách trong từng gia đình, trường học, đơn vị, doanh nghiệp; (2) Cần có cơ sở pháp lý đủ mạnh liên quan đến văn hóa đọc; (3) Nâng cao nhận thức, đề cao tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp về văn hóa đọc; (4) Tổ chức điều tra xã hội học nhằm đánh giá đúng thực trạng thói quen đọc sách của nhân dân trên địa bàn; (5) Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, sáng tác, xuất bản, quảng bá sách.

 

Hội thảo đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhẫn cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, hình thành lối sống lành mạnh trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về phát triển văn hóa đọc.

 

 Bài và ảnh: Hồng Xuyến - Trịnh Trung

 


Chuyên đề