Công tác Kiểm tra, giám sát

26/05/2017|11:30

 

  1- Hỏi: Tổ chức đảng cấp dưới mà ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra là những tổ chức nào? Trường hợp Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tiến hành kiểm tra đảng ủy cơ sở nhưng có ý kiến cho rằng Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy không phải là cấp trên của đảng ủy cơ sở nên không có thẩm quyền kiểm tra.

 

Vậy, ý kiến đó đúng hay sai?

 

Trả lời:

 

Tiết 2.1.1, Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 32, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, đã nêu:

 

“Tổ chức đảng cấp dưới là đối tượng kiểm tra của ủy ban kiểm tra gồm tổ chức đảng do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp lập ra và cấp ủy, tổ chức đảng thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp ủy cùng cấp”.

 

Như vậy, tổ chức đảng cấp dưới là cấp dưới của cấp ủy (so với cấp ủy, không phải so với ủy ban kiểm tra). Ủy ban kiểm tra là do cấp ủy cùng cấp bầu ra, được quyền kiểm tra các tổ chức đảng cấp dưới của cấp ủy cùng cấp như Điều lệ Đảng đã quy định.

 

2- Hỏi: Một đảng viên vi phạm phải xử lý kỷ luật khiển trách (thuộc thẩm quyền của chi bộ). Vậy, trước khi chi bộ họp xem xét, quyết định kỷ luật, đại diện chi bộ có phải nghe đảng viên đó trình bày ý kiến hay không, hay chỉ nghe chung trong cuộc họp chi bộ để xem xét, quyết định kỷ luật đảng viên?

 

          Trả lời:

- Khoản 1, Điều 39, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nêu rõ:

         

        "Đảng viên vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp uỷ  và uỷ ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật"

 

-  Điểm 3.1 và Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 39 của Quy định 30-QĐ/TW cũng đã nêu rõ:

 

        "Trước khi họp để xem xét, quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định kỷ luật nghe đảng viên vi phạm hoặc tổ chức đảng vi phạm trình bày ý kiến và ý kiến này được báo cáo đầy đủ (kèm theo bản tự kiểm điểm) khi tổ chức đảng có thẩm quyền họp xem xét quyết định kỷ luật.

 

         Đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền là đại diện của cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp có thẩm quyền kỷ luật hoặc được cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra uỷ nhiệm đối vơi những trường hợp đặc biệt"  

         

          Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, trước khi họp xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, đại diện chi bộ (chi uỷ viên) hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi uỷ) phải gặp đảng viên vi phạm để nghe trình bày ý kiến và ý kiến này được báo cáo đầy đủ tại cuộc họp chi bộ xét quyết định kỷ luật đối với đảng viên vi phạm. Khi chi bộ họp xem xét quyết định kỷ luật, đảng viên phải trình bày kiểm điểm trước chi bộ và tự nhận hình thức kỷ luật đảng. Sau đó đồng chí chi uỷ viên hoặc bí thư chi bộ báo cáo ý kiến trình bày của đảng viên vi phạm trước khi chi bộ thảo luận, kết luận và biểu quyết xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

 

Minh Kim


Chuyên đề