Cách mạng Công nghiệp 4.0, cơ hội và thách thức cho Việt Nam

05/06/2017|19:32

Trong thời gian gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế đã tràn ngập những bài viết về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là Công nghiệp 4.0 (FIR 4.0). Vậy FIR 4.0 là gì, đặc điểm của cuộc cách mạng này ra sao? và nhiều câu hỏi khác xung quanh vấn đề này cũng được giới nghiên cứu và dư luận đặt ra.

 

 
 
CMCN 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ảnh vietnamnet.vn
 
 
Từ nhận thức, khái niệm…

 

 

Công nghiệp 4.0 là sự tích hợp và tương tác của các công nghệ trên các lĩnh vực vật lý, số hóa, sinh học và được kết nối thông qua Internet vạn vật (IOT). Sự giống nhau của các cuộc cách mạng trước đây và hiện nay là ở sự tiến bộ có tính đột phá của công nghệ (máy hơi nước gắn với thời đại Cơ khí hóa; điện gắn với thời đại Điện khí hóa; điện tử gắn với thời đại Tin học hóa; và tích hợp công nghệ… gắn với thời đại của trí tuệ nhân tạo).

 

Tuy nhiên, sự khác biệt của Công nghiệp 4.0 so với 3 cuộc cách mạng trước đó là sự tích hợp các công nghệ đột phá ở cả 3 lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học thông qua sự kết nối Internet vạn vật. Với 6 đặc trưng, 3 nhóm xu hướng chủ đạo, và 21 sản phẩm định hình tương lai của thế giới sẽ xuất hiện phổ biến vào năm 2025.

 

Đến những xu hướng chủ đạo…

 

Lĩnh vực vật lý, có 4 công nghệ đột phá rất quan trọng đó là, phương tiện tự lái, in 3D, robot cao cấp, và vật liệu mới:

 

- Phương tiện tự lái (máy bay, ô tô, tàu thủy…), đã có bước tiến quan trọng, đạt đến quy mô, cấp độ dân dụng và thương mại hóa; phát triển nhanh và dần phổ cập trong các nước trên thế giới. Từ ý tưởng về trực thăng không người lái đưa hàng tại nhà đến nay các dự án về xe tự lái, taxi bay chở khách... đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch của một số nước trên thế giới.     

 

Tháng 9/2015, Diễn đàn kinh tế giới (WEF) dự báo 2025, 10% xe tự lái xuất hiện ở Mỹ, nhưng chỉ hơn 1 năm sau (11/2016) Nhật Bản đã cho công bố kế hoạch cho phép xe tự lái tham gia giao thông vào năm 2020, và gần đây Saudi Arabia cũng cho biết 25% phương tiện tự lái (taxi bay) được phép hoạt động ở TP Dubai vào năm 2030.

 

- Công nghệ In 3D, là việc tạo ra một sản phẩm bằng cách in theo các lớp từ một mô hình 3D có trước. Tất cả các sản phẩm phục vụ con người (vật dụng, ô tô, máy bay, nhà ở và cả những bộ phận của cơ thể người (tai, tay, chân giả…) đều có thể được sản xuất theo phương pháp in 3D, khiến con người thay đổi căn bản cách thức sản xuất của mình … Đến 2025, chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ in 3D; 5% sản phẩm tiêu dùng của thế giới được sản xuất bằng công nghệ in 3D; ca cấy ghép gan đầu tiên cũng được thực hiện bằng công nghệ in 3D…

 

- Robot cao cấp, là người máy gắn trí tuệ nhân tạo, được sử dụng ngày càng rộng rãi, khiến cho sự tương tác giữa người và máy móc thông minh trở thành hiện thực. Con người làm ra máy, tương tác với máy (qua giọng nói, bằng ý nghĩ…) và trở thành một phần của máy.

 

Bởi vì, máy có tính độc lập tương đối, máy có thể làm nhanh, chính xác hơn con người. Theo đó, robot cao cấp còn có thể tự học hỏi nâng cao trình độ, có thể làm quản lý, hoặc là ủy viên hội đồng quản trị, thậm chí tranh luận với con người.

 

Ngày nay robot còn tham gia thị trường lao động và cạnh tranh việc làm với con người. Một số công ty sản xuất điện thoại tại Trung Quốc đã cắt giảm khoảng 90% lao động do sử dụng robot đưa số lao động từ 650 người xuống 60 người và sắp tới chỉ còn 20 chuyên làm nhiệm vụ giám sát các thiết bị tự động hóa.

 

Robot thông minh đã chiếm 38% khâu bán lẻ ở Mỹ; một khách sạn ở Nhật đang sử dụng 140 loại robot thông minh, với 100 phòng chỉ phải thuê có 3 lao động; Ngân hàng TW Nhật cho biết, các công ty có vốn hoạt động từ 100 triệu đến 1 tỷ Yen đang lên kế hoạch tăng cường 17,5% đầu tư vào mua robot để khắc phục tình trạng thiếu lao động tuyển dụng ở nước này.

 

- Vật liệu mới, là vật liệu về tổng thể, chúng nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế và dễ thích ứng. Đó là vật liệu thông minh, tự phục hồi hoặc làm sạch; các kim loại có khả năng khôi phục lại hình dạng ban đầu; gốm sứ và pha lê có thể biến áp lực thành năng lượng. Đặc biệt là việc sản phẩm được tạo ra không phải từ nguyên liệu truyền thống mà là từ nano, phân tử, thậm chí nguyên tử…

 

Lĩnh vực số hóa, đặc trưng nổi bật của công nghệ số hóa là sự ra đời của Internet vạn vật (IOT). Đây là mối quan hệ giữa vạn vật với con người thông qua các công nghệ kết nối và trên các nền tảng khác nhau (Iphone, 3G, 4G, 5G và khi Internet lượng tử đi vào đời sống thì có thể là nG.

 

Có sự tiến bộ trên là do các cảm biến nhỏ, nhẹ, rẻ, thông minh… sẽ được lắp đặt ở mọi nơi theo nhu cầu của con người, từ vi mô đến vĩ mô, từ gia đình đến xã hội, từ quốc gia đến quốc tế. IOT tác động làm biến đổi tất cả các ngành, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng và y tế, chăm sóc sức khỏe con người…

 

Lĩnh vực sinh học, đặc trưng nổi bật trong lĩnh vực sinh học là việc giải mã bộ gen (giải trình, kích hoạt, hay chỉnh sửa bộ gen…) trước đây phải mất 10 năm với chi phí 2,7 tỷ USD, thì nay chỉ mất vài giờ với chi phí dưới 1.000 USD. Do sức mạnh của siêu máy tính, khiến các nhà khoa học có thể bỏ qua phương pháp truyền thống (thử - sai - thử lại), nay có họ thể đi sâu vào giải mã biến dị gen gây bệnh, sửa lại ADN, và kết quả được ứng dụng ngay lập tức vào các lĩnh vực nông nghiệp, y học, và sản xuất nhiên liệu sinh học…

 

Đến năm 2025, chiếc điện thoại thông minh đầu tiên sẽ được cấy ghép vào cơ thể người và đạt quy mô thương mại; dược sỹ robot đầu tiên cũng xuất hiện ở Mỹ;…

 

Và những thách thức cần vượt qua

 

 - Trong tương lai, năng lực, chứ không phải nguồn vốn, sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Sự cạnh tranh giữa con người với robot, khiến thị trường lao động bị phân hóa theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp được trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao được trả lương cao, dẫn đến phân hóa giàu nghèo và mâu thuẫn xã hội gia tăng.

 

- Với sản phẩm siêu kết nối con người bị tràn ngập trong "biển" thông tin bên cạnh sự tiến bộ nhanh chóng, thì họ cũng gặp hệ lụy không mong muốn như: Con người đứng trước nguy cơ giảm sút tính nhân văn, sự từ bi, bác ái; các quan hệ hợp tác, cộng đồng; tâm tư, tình cảm, giao tiếp… sẽ biến đổi, do quan hệ “xã hội ảo” tăng, khi quan hệ xã hội trực tiếp lại giảm… Khiến xã hội cần phải định hình lại những ranh giới về đạo đức, phẩm chất và hành lang pháp lý…

 

Trong tương lai các nhà lãnh đạo thế giới và các quốc gia đều phải giải bài toán khó là sự mâu thuẫn giữa thành tựu Công nghiệp 4.0 và thành tựu dân chủ hóa (được bảo đảm bằng công nghệ). Bởi vì, khi đồng sở hữu công nghệ thì cơ hội thông tin là ngang nhau, nhưng cách xử lý lại không giống nhau, khiến nảy sinh những vấn đề tiền an ninh mà tất cả các quốc gia đều phải quan tâm.

 

Việt Nam là quốc gia phát triển trung bình, nhưng do chủ động tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn nên sự lan tỏa của FIR 4.0 là một cơ hội mà chúng ta cần nắm bắt. Vì thế, theo giới phân tích, chúng ta cần chủ động, tích cực, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để phát triển./.

 

(Nguồn: dangcongsan.vn)


Chuyên đề